Trả lời:
Đầu tiên, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới DHLaw. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra nội dung giải đáp như sau:
Theo nội dung bạn gửi đến liên quan đến di chúc nên đây chính là vụ án về
tranh chấp thừa kế. Theo quy định khi người chết để lại di chúc thì di sản sẽ được phân chia theo nội dung của di chúc. Ngược lại tức là di chúc bị tuyên vô hiệu (không có giá trị pháp lý), khi đó di sản sẻ được chia thừa kế theo pháp luật. Các đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất (bạn và anh trai mình) sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy, có thể thấy kết quả khác nhau hoàn toàn khi bản di chúc được/bị Tòa tuyên là có giá trị hay vô hiệu (không có giá trị). Thực tiễn, các vụ án liên quan đến việc xác định tính xác thực của bản di chúc thường khá phức tạp, mất nhiều thời gian để có bản án chính xác.
Để xác định một bản di chúc là giả mạo hay không (giả mạo tức là bị vô hiệu, không có giá trị). Có nhiều cách để thực hiện trong đó việc giám định chỉ là một trong những biện pháp mang tính kỹ thuật mà thôi.
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo nguyên tắc di chúc phải đảm bảo những quy định sau đây:
- Do chính người có tài sản lập;
- Trong trạng thái tinh thần minh mẫn, tự nguyện (không bị ai ép buộc);
- Về hình thức phải rõ ràng, không bị tẩy sửa, có chữ ký hay dấu lăn tay của người lập di chúc;
- Nội dung di chúc không được trái với quy định của pháp luật…
Để chứng minh bản di chúc là giả mạo hay không có giá trị, cơ quan tư pháp thường dựa vào những đặc điểm về nội dung và hình thức nêu trên để tìm ra một trong những yếu tố "giả mạo". Cụ thể như: Chứng minh tại thời điểm lập di chúc, người viết di chúc không còn minh mẫn; câu chữ trong tờ di chúc mâu thuẫn, khó hiểu, bị sửa chữa, bôi xóa; chữ ký trong tờ di chúc không phải là chữ ký của người lập di chúc. . .
Khi thực hiện giám định di chúc, có nhiều nội dung không nhất thiết phải cần giám định. Thông thường, chỉ thực hiện việc giám định chữ ký hay dấu vân tay, còn chữ viết thì không mang ý nghĩa quan trọng, vì người lập di chúc có thể nhờ người khác viết dùm hay đánh máy vi tính bản di chúc của mình.
Việc giám định sẽ được thực hiện ở giai đoạn vụ việc đã đưa ra tòa án. Khi đó, bạn sẽ phải là người làm Đơn yêu cầu giám định gửi cho Tòa án. Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ ra quyết định trưng cầu giám định bằng các hình thức như giám định chữ ký, dấu vân tay. . . trên tờ di chúc.
Theo anh trình bày thì hiện tại anh chỉ mới trình bản di chúc yêu cầu giám định lên UBND xã. Theo quy định UBND cấp xã/phường chỉ có chức năng hòa giải chứ không có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp dân sự. Vì vậy, khi việc hòa giải ở cấp xã không thành thì mới tiến hành đưa vụ việc ra Tòa án. Cơ quan này sẽ có nhiệm vụ thực hiện việc giám định di chúc theo yêu cầu của bạn.