Ngày 26-3, Thủ tướng ban hành Quyết định 05/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Quyết định 05 nêu rõ, giá bán điện bình quân là mức giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Đáng chú ý, thay vì thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng như quy định hiện nay tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg thì kể từ ngày 15-5-2024, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Quyết định 05/2024 có hiệu lực từ ngày 15-5-2024.
Thông tư 01/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về quản lý seri tiền mới in có hiệu lực từ ngày 14-5-2024.
Thông tư này quy định việc quản lý seri tiền mới in đối với các loại tiền giấy của NHNN Việt Nam được thực hiện từ khi cấp vần seri, sử dụng vần seri trong quá trình in tiền cho đến khi tiền mới in được phát hành vào lưu thông.
Theo đó, nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền là mỗi tờ tiền có một seri riêng. Đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi.
Đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 8 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi.
Trong đó, vần seri là phần chữ được ghép bởi 2 trong số 26 chữ cái (gồm: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z). Vần seri bao gồm vần chính (vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền theo số lượng, cơ cấu tiền in hàng năm) và vần phụ (vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền thay thế những tờ tiền in hỏng).
Từ ngày 25-5-2024, việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 35/2024 của Chính phủ.
Trong đó, danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” để tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục (nhà giáo).
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” bao gồm:
(i) Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có từ 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
(ii) Tâm huyết, tận tụy với nghề, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách người học; có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp tỉnh, là tấm gương sáng, nhà giáo mẫu mực, xuất sắc tiêu biểu trong đối mới quản lý, nuôi dạy, giảng dạy;
(iii) Có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có đóng góp vì lợi ích cộng đồng, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo; được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.
(iv) Có tài năng sư phạm được quy định với từng đối tượng. Đơn cử như Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt các tiêu chuẩn: Tác giả 1 sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng trong nuôi dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh; Tham gia biên soạn 01 tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc tham gia biên soạn 01 báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc 01 lần tham gia biên soạn, phát triển chương trình giáo dục mầm non đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt;
(v) Có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.