vn us

Có được hủy thỏa thuận di sản đã chia thừa kế không?

Theo quy định khi người chết không để lại di chúc thì di sản được chia thừa kế theo pháp luật. Trước khi có thỏa thuận phân chia di sản thì mọi thủ tục liên quan đến việc mua bán, cho tặng, cho thuê, đăng ký quyền sở hữu. . . Đều phải được sự đồng thuận của những người thừa kế. Cụ thể về quy định quyền của người thừa kế, mời độc giả tham khảo phần tư vấn của Luật sư dưới đây. 

Được hủy thỏa thuận chia di sản thừa kế không
Giải đáp thắc mắc việc hủy thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Câu hỏi:
Anh Khánh, ngụ Quãng Ngãi hỏi: "Gia đình bố mẹ tôi sinh được 3 anh em, mẹ tôi mất năm 2010, bố tôi mất năm 2017. Tài sản bố mẹ tôi để lại có ngôi nhà và mảnh đất ở mà không có di chúc. Hiện tại có gia đình chú (em tôi) là con thứ ba đang sinh sống tại ngôi nhà và thửa đất đó. Hiện nay, em tôi có ý định chuyển đi chỗ khác sinh sống, chú ấy muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đứng tên mình. Khi làm đơn thì được yêu cầu có chữ ký xác nhận của tất cả 3 anh em tôi, lúc đó vì chưa suy nghĩ kỹ nên chúng tôi đã đồng ý ký nhận. Nhưng nay chúng tôi muốn mảnh đất đỏ đứng tên của 3 anh em để sau này dựng nhà thờ cúng bố mẹ tôi ở đó. Vậy nhờ luật sư tư vấn giúp tôi những vấn đề như sau:
1. Ba anh em tôi có được cùng đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất thừa kế nay không? Con dâu và cháu nội được quyền thừa kế không?

2. Chúng tôi đã ký xác nhận cho để em tôi làm giấy chứng nhận QSDĐ  thì có rút lại được không?

Rất mong nhận được được sự quan tâm tư vấn của Công ty, xin cảm ơn!"

Trả lời: 

Cảm ơn anh Khánh đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật DHLaw. Với trường hợp của anh chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau

Bố mẹ của anh mất không để lại di chúc, trường hợp này sẽ chia thừa kế theo pháp luật.

Khoản 1 Điều 630 của Bộ luật dân sự 2013 quy định cụ thể như sau:

Điều 630. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật.

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Gia đình anh có ba chị em, anh không đề cập đến ông bà nội, ngoại nên chúng tôi chỉ tính 3 anh em anh là những người này thuộc hàng thừa kế thứ nhất. 

Điều 631. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, ba anh em của anh sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ. Ba anh em đều có quyền được hưởng phần di sản mà bố mẹ để lại, mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau và Không phân biệt con trưởng con thứ, con sống chung với bố mẹ hay không. 

Trường hợp anh hỏi này là các cháu nội (thuộc hàng thừa kế thứ hai) chỉ được quyền hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước (hàng thừa kế thứ nhất) do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Còn con dâu sẽ không có quyền hưởng thừa kế vì không thuộc hàng thừa kế của bố mẹ anh.

1. Ba anh em anh có quyền đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không?

Tất cả anh em của anh có quyền sở hữu đối với phần di sản mà bố mẹ anh để lại căn cứ theo Điều 234 Bộ luật dân sự 2013

Điều 234. Xác lập quyền sở hữu do được thừa kế

Người thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật đất đai 2013:

2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Như vậy, mảnh đất mà bố mẹ anh để lại, 3 anh em đều có quyền sử dụng đất, do đó trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi đầy đủ tên của 3 anh em, và cấp cho mỗi người 1 bản.

2. Đã ký xác nhận cho để em tôi làm giấy chứng nhận QSDĐ  thì có rút lại được không?

Trường hợp thứ nhất nếu đã có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã hoặc có công chứng của phòng công chứng thì anh không có quyền rút lại đơn nữa, em anh sẽ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu chứng minh được tại thời điểm ký xác nhận của 2 anh em có dấu hiệu của sự cưỡng ép, lừa dối,...không xuất phát từ sự tự nguyện của 2 người thì việc yêu cầu hủy giấy xác nhận vẫn có thể tiến hành được.

Trường hợp thứ hai nếu việc sang tên quyền sử dụng đất thừa kế cho em anh chưa được chứng thực, công chứng thì  anh em anh có quyền yêu cầu hủy bỏ đơn xác nhận đó.

Trên đây là phần giải đáp nội dung thắc mắc của anh Khánh liên quan đến vấn đề hủy thỏa thuận di sản đã chia thừa kế theo pháp luật. Hy vọng qua phần tư vấn của Luật sư DHLaw, anh Khánh và độc giả đã hiểu được những quy định cụ thể trong vấn đề này. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ quy định nào liên quan quyền của người thừa kế, hay Luật thừa kế nói chung anh hoặc độc giả có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài miễn phí: 0909854850 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời. 

_________________________________________

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Bộ phận Tư vấn DHLaw.
Add: 185 Nguyễn Văn Thương , Phường 25, Q. Bình Thạnh, TP. HCM. 
Hotline 24/24: 0909 854 850
Email: contact@dhlaw.com.vn

Rất mong nhận được sự hợp tác của Quý khách hàng!
Trân trọng./.


Tư vấn pháp luật miễn phí

Pháp lý là một trong những lĩnh vực rất phức tạp

Nếu quý khách đang gặp rắc rối nào về pháp lý. Hãy để DHLaw giúp bạn!

Gọi tư vấnGọi tư vấn Yêu cầu gọi lạiYêu cầu dịch vụ
Chat zalo Chat Zalo Liên hệ qua Facebook Messenger Chat viber Chat Viber
Mở Đóng